Lý do vì sao Facebook dễ gây nghiện
.

Pages

Lý do vì sao Facebook dễ gây nghiện

Có khoảng 7 tỉ người trên Trái đất và trong đó có hơn 864 triệu người thường xuyên vào Facebook mỗi ngày. Đó là một con số thực sự ấn tượng và cũng là một trong những lý do khiến trang mạng xã hội Facebook có giá trị lên tới 200 triệu USD.




Vậy tại sao mạng xã hội nói chung và Facebook nói riêng có thể hấp dẫn nhiều người, thậm chí là gây nghiện như thế? Nir Eyal, một doanh nhân và đồng thời là giảng viên tại trường đại học Stanford đã viết một cuốn sách mà có thể cho chúng ta câu trả lời về lý do mà Facebook có thể khiến chúng ta bị ‘nghiện’.

Trong cuốn sách ‘Hooked’ của mình, Nir Eyal có nói “Những gì Facebook tạo ra là mối liên kết giữa con người, đặc biệt là khi bạn cảm thấy buồn chán hay có một vài phút rảnh rỗi. Về mặt tâm lý, buồn chán gây ra một cảm giác tồi tệ giống như việc bạn bị đau. Và bất cứ khi nào bạn buồn chán hay có một vài phút rảnh rỗi thì Facebook chính là liều thuốc chữa trị”.


Trong cuốn sách, Nir Eyal cũng cho thấy các quá trình tâm lý diễn ra khi một hoạt động hay sản phẩm kinh doanh nào đó được tích hợp vào thói quen hàng ngày của mỗi người. Một sản phẩm tốt nhất chưa chắc đã có thể thành công, mà chính những sản phẩm khiến người sử dụng phải tiếp tục dùng nó một cách vô ý thức, giống như là một thói quen mới thực sự chiến thắng.

Ví dụ đơn giản trong thế giới công nghệ là Google. Có thể nói rằng chúng ta đang nghiện tìm kiếm trên Google, tất cả các thông tin cho dù đơn giản hay phức tạp cũng cần đến Google. Đó là một sản phẩm cho thấy đặc tính sử dụng vô ý thức của người dùng. Trong khi đó các công cụ tìm kiếm khác như Bing cũng có những tính năng tương tự. Tuy nhiên Google vẫn thống trị với 87% thị phần. Điều đó cho thấy thói quen tạo ra một lợi thế cạnh tranh rất lớn.

Vậy Facebook đã tạo thói quen cho người dùng bằng cách nào? Đầu tiên đó chính là các thông báo (notification) để nhắc bạn rằng bạn cần kiểm tra Facebook. Việc mở ứng dụng hàng ngày giúp hình thành một thói quen và sau đó, chúng ta vào Facebook ngay cả khi không có noti nào.


Tiếp đó, Facebook giúp làm giảm bớt sự nhàm chán và thời gian rảnh rỗi của chúng ta bằng cách ‘kéo newsfeed’. Chúng ta xem mọi người đăng status, up ảnh, like một cái gì đó hay chỉ đơn giản là comment cho một thứ không liên quan.

Sau cùng, Facebook kéo người dùng phải quay trở lại nhờ sự tương tác. Khi bạn đăng một status, up một bức ảnh hay comment, những người khác có thể tương tác lại bằng cách like và comment. Sau đó Facebook tiếp tục gửi đến bạn một lời nhắc nhở rằng hãy mở Facebook lên để xem bạn bè của bạn đang nói gì. Tâm lý của con người rất tò mò về những gì người khác nhận xét về mình, đó là sự thật.

Như vậy Facebook tạo ra một vòng lặp khiến chúng ta không thể ngừng sử dụng nó, đến khi nó trở thành một thói quen vô thức và chúng ta sẽ dần bị nghiện mà không hay biết. Sự thành công của mạng xã hội là đánh trúng tâm lý của người dùng, biến sản phẩm của mình thành thói quen sử dụng và khách hàng sẽ không bao giờ có thể rời bỏ sản phẩm đó.

Theo Business Isider